Học bổng du học Singapore A – Z

Học bổng du học Singapore A – Z

Du học quốc tế nói chung, Singapore nói riêng đang là ước mơ của hàng triệu bạn trẻ, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng chi trả chi phí. Học bổng sẽ giúp các bạn giảm thiểu đáng kể chi phí trong quá trình du học.

Du học tại một đất nước phát triển như Singapore đang là một xu thế mới đối với các bạn sinh viên Việt Nam. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi quyết định tham gia vào một khóa học nào đó chính là HỌC BỔNG. Là một du học sinh, ai ai cũng muốn giành được một suất học bổng, vừa để hỗ trợ về tài chính, vừa như một phần thưởng cho những cố gắng trong học tập của mình. Nắm được tâm lý đó, rất nhiều trường, tổ chức hiện nay đang đưa ra vô vàn chương trình học bổng hấp dẫn. Tuy nhiên, để tìm được chương trình phù hợp với khả năng, sở thích cũng như định hướng phát triển của bản thân, việc tìm hiểu thật kỹ về chủ đề học bổng là không thể thiếu. Trong bài viết này, Nhật Anh – AVI sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin cơ bản nhất và các bí quyết quan trọng khi đi đăng ký xin học bổng nhé.

I/ Sơ lược về học bổng

1/ Học bổng là gì?

Học Bổng là gì? 

Học bổng về cơ bản là các khoản trợ cấp tài chính dành cho sinh viên xuất sắc nhằm khuyến khích các bạn cố gắng nhiều hơn hoặc tiếp tục học tập. Mặc dù hai chữ “học bổng” rất hấp dẫn, các bạn cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin về các loại học bổng và yêu cầu của chúng để có thể có kế hoạch cụ thể, hiệu quả nhất.

2/ Các loại học bổng ở Singapore:

Các loại học bổng tại Singapore

* Singapore có khá nhiều loại học bổng như:

 + Học bổng tài năng (merit-based scholarships) – dành cho các bạn sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, thể thao , nghệ thuật, lãnh đạo;

 + Học bổng theo nhu cầu (need-based scholarships) – dành cho các sinh viên có thành tích tốt nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn hoặc trở ngại tài chính;

 + Học bổng sinh viên đặc biệt (student-specific scholarships) – dành cho những sinh viên thuộc các chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc những nền văn hóa đặc biệt;

 + Học bổng của trường (college-specific scholarships) – học bổng trường đại học, cao đẳng đặc biệt dành cho những sinh viên xuất sắc của mình

 + Học bổng ngành nghề đặc biệt (career-specific scholarships) dành cho các sinh viên giỏi có nguyện vọng theo đuổi những ngành nghề khó, hiếm, thử thách cao.

* Học bổng tại Singapore được cung cấp bởi nhiều tổ chức khác nhau bao gồm: các cơ quan chính phủ, các đơn vị cộng đồng và các tổ chức tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận và các viện đào tạo. Ví dụ, Hội đồng Y tế sẽ cung cấp các học bổng liên quan đến Y tế, Sức khỏe cho các sinh viên đại học hoặc sau đại học trong ngoài nước.

* Có hai cách thức cấp học bổng chính dành cho sinh viên đại học: học bổng giữa khóa và toàn khóa. Có vài sự khác nhau giữa hai cách thức này:

+ Học bổng giữa khóa được trao cho sinh viên theo một chương trình đại học đã hoàn thành một số lượng học kỳ yêu cầu, dựa theo học lực của bạn từ khi vào trường đến thời điểm xét duyệt.

+ Học bổng toàn khóa trao cho sinh viên trước khi nhập học, đánh giá theo kết quả học tập của chương trình học trước đó.

Như vậy, sinh viên có thể lựa chọn và tìm kiếm thông tin về từng loại học bổng để có định hướng phát triển hiệu quả nhất.

II/ Những thông tin cần tìm hiểu trước khi đăng ký xin học bổng

 Những thông tin cần tìm hiểu trước khi đăng ký xin học bổng

2.1/ Giá trị học bổng

Không phải tất cả học bổng đều như nhau. Có nơi cung cấp học bổng toàn phần, bao gồm cả chi phí học tập, sinh hoạt, sách vở,… cũng có nơi chỉ cung cấp học bổng bán phần cho học phí, phí sinh hoạt, hỗ trợ chi phí,… Ngoài ra còn loại học bổng cấp theo tháng sinh hoạt ($200 đến $1,000 một tháng).

2.2/ Tính độc quyền của học bổng

Một số tổ chức cung cấp dịch vụ học bổng không chấp thuận các sinh viên của họ nhận bất cứ hình thức hỗ trợ tài chính nào khác khi xin học bổng.

2.2.1/ Điều khoản ràng buộc

Có nhiều tổ chức cấp học bổng yêu cầu sinh viên ký kết các điều khoản ràng buộc ví dụ như: làm đại diện cho tổ chức sau khi kết thúc chương trình học. Điều này như con dao hai lưỡi, bởi nếu tính chất công việc của tổ chức này phù hợp với ngành nghề bạn đang theo đuổi, đây sẽ là một cơ hội rất lớn, và việc trở thành đại diện của tổ chức sẽ giúp bạn có nhiều thế mạnh hơn trong những công việc sau này. Tuy nhiên, ràng buộc với một tổ chức lại có thể gây ra nhiều hạn chế, giả dụ như trong trường hợp bạn nhận được lời mời làm việc hấp dẫn sau khi tốt nghiệp nhưng lại không thể vi phạm các hợp đồng đã ký kết trước đó. Thời gian hiệu lực của các điều khoản này phụ thuộc vào giá trị học bổng và thời gian học của bạn.

2.2.2/ Hệ quả của việc chấm dứt các điều khoản ràng buộc

Không ai có thể dự đoán được tương lai. Trong bốn năm học, bạn có thể tìm ra niềm đam mê của mình và mong muốn được theo đuổi ước mơ riêng. Việc đơn phương chấm dứt các điều khoản ràng buộc hiện nay càng lúc càng trở nên phổ biến tại Singapore, vậy nên nếu các bạn có dự định chấp nhận đề nghị học bổng, cần phải hiểu rõ các điều khoản, điều kiện đi kèm để có sự lựa chọn phù hợp.

2.2.3/ Điều kiện duy trì học bổng

Được nhận học bổng là một thành tựu lớn với mỗi sinh viên, nhưng để duy trì nó cũng là một thử thách không hề nhỏ.

Rất nhiều sinh viên sau khi nhận học bổng lại lơ là việc học dẫn đến mất quyền tiếp nhận học bổng đó. Để đảm bảo nhận được giá trị tối đa và sử dụng hiệu quả học bổng, bạn cần học tập thật chăm chỉ và duy trì điểm trung bình GPA cao. Đa số cả tổ chức đều thông báo rất rõ ràng yêu cầu về GPA để duy trì học bổng, bạn cần lưu ý thông tin này. Ngoài ra, nhiều tổ chức còn yêu cầu sinh viên làm việc với vai trò thực tập sinh tại cơ quan của họ trong quá trình học tập hoặc sau đó để được duy trì cung cấp.

2.2.4/ Đăng ký học bổng

Trước khi đăng ký học bổng, việc hiểu được các điều khoản và lợi ích cấp học bổng đưa ra. Nếu bạn chưa sẵn sàng để ràng buồn với một tổ chức từ 4 đến 6 năm, bạn có thể suy nghĩ thật kỹ, đừng để giá trị tiền bạc tác động quá nhiều đến khả năng phán xét của mình. Mặt khác, nếu bạn thực sự yêu thích công việc được đề xuất, đừng ngần ngại ngại mà chấp nhận cơ hội cũng như thử thách trước mắt. Nếu không, bạn toàn có thể tìm đến các học bổng không có ràng buộc do nhà trường hoặc chính phủ cung cấp.

Như các bạn có thể thấy, có rất nhiều loại học bổng được cung cấp bởi nhiều tổ chức khác nhau mà bạn có thể đăng ký, việc lựa chọn là ở bản thân bạn. Vậy nên bạn cần cân nhắc thật kỹ sao cho chọn được một học bổng trong tầm tay và phù hợp với định hướng tương lai của mình.

III/ Làm sao để xin được học bổng?

Sau khi đã tìm hiểu thật kỹ thông tin và có được quyết định của mình, bạn hãy sẵn sàng cho kế hoạch “tác chiến”. Trong phần này, Nhật Anh – AVI sẽ phân tích ba giai đoạn: chuẩn bị, đăng ký, phỏng vấn để dành được một phần học bổng tốt nhất. Ở mỗi giai đoạn, chúng mình sẽ đưa ra những bí quyết để các bạn dễ dàng thực hiện từng bước hơn.

3.1/ Chuẩn bị

Có thể bạn không phải là lãnh đạo của một câu lạc bộ có hàng ngàn thành viên, bạn không phải là một vận động viên vô địch quốc gia, và bạn cũng không có đến 10 giải thưởng toán học trong túi. Vậy làm sao để trở nên nổi bật trong cuộc đua dành học bổng này? Dưới đây sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi đó.

* Trở nên đặc biệt

trở nên đặc biệt khi xin đi học bổng

Tất nhiên không ai muốn đầu tư nhiều tiền cho một người quá bình thường, nhưng điều đó không có nghĩa bạn cứ phải đạt giải nhất kì thi học sinh giỏi quốc gia (mà trên thực tế, học sinh giỏi quốc gia đi xin học bổng hiện nay cũng đã nhiều đến mức nhàm chán). Vậy nên, thay vì trở thành người giỏi nhất (điều này gần như bất khả thi), bạn có thể chọn trở thành người khác biệt nhất. Hãy làm điều mà không ai hoặc rất ít người làm được để tạo sự bất ngờ cho tổ chức với một bản đăng ký học bổng thật đặc sắc. Dưới đây là một số ví dụ về những hoạt động có thể gây ấn tượng mạnh tới các tổ chức:

  • Làm một công việc thực tập/partime tại một công ty danh tiếng với kết quả tốt. Bạn có thể nhờ người quản lý của viết thư giới thiệu, trong khi các ứng viên khác chỉ có thư giới thiệu từ giáo viên.
  • Hãi bắt đầu một “sự nghiệp”. Với sự phát triển của internet hiện nay, bất cứ ai cũng có thể khởi nghiệp trên mạng. Bạn có thể gây ấn tượng bằng nhiều cách: mở cửa hàng trực tuyến, viết blog, hoặc thậm chí bắt đầu một phong trào xã hội. Bạn sẽ trở thành ứng viên vô cùng sáng giá.
  • Đã tham gia vào một tổ chức phi lợi nhuận. Trong khi các ứng viên khác chỉ chăm chăm liệt kê những bằng khen, giải thưởng học tập, thì việc bạn đã làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp ngoài nhà trường cùng những chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ làm hồ sơ của bạn nổi bật hơn cả. Những chương trình như: Mùa Hè Xanh, Hanoikids,… đang được sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên.
  • Tham gia và chiến thắng trong nhiều cuộc thi. Đặc biệt là đối với các bạn sinh viên bách khoa, dự án cuối khóa hay các thành tích trong các cuộc thi trong, ngoài trường sẽ đem lại lợi thế hơn hẳn.
  • Sáng tạo và phiêu lưu. Trên đây chỉ là một vài ví dụ, hãy thử nghĩ đến một điều gì đó thật mới lạ mà thậm chí chưa ai nghĩ đến, vì khả năng sáng tạo của con người là vô hạn.

Tuy nhiên, dù bạn lựa chọn thế nào, thì đó phải là sự lựa chọn từ đam mê và nỗ lực. Không nên ép mình làm gì chỉ để làm đẹp hồ sơ, bởi như vậy sẽ khiến bạn sớm chán nản những gì mình bạn đang làm. Điều đó có thể gây ra ấn tượng không tốt với chuyên viên của tổ chức cấp học bổng, gây trở ngại về sau.

* Mục tiêu trong tầm với

Trong quá trình tìm kiếm học bổng, bạn sẽ tìm thấy những phần học bổng hiếm người biết đến. Việc nhằm vào những học bổng như vậy sẽ giúp bạn hạ thấp được sự cạnh tranh và nâng cao cơ hội thành công. Những loại học bổng này thường nằm trong khu vực tư nhân nhỏ chứ không công bố rộng rãi, đòi hỏi bạn phải thật sự nghiêm túc và cần phải đầu tư công sức tìm kiếm.

Ngoài ra, có nhiều học bổng đặc biệt để tìm kiếm những sinh viên phù hợp với tiêu chí riêng, loại học bổng này cũng ít người cạnh tranh hơn so với những loại phổ biến. Ví dụ, ở Singapore, học bổng của trường công nghệ Nanyang dành riêng cho các sinh viên chuyên ngành công nghệ, kỹ thuật. Với các loại học bổng rất phổ biến như học bổng A*STAR (học bổng do bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cấp), bạn sẽ cần phải cạnh tranh khốc liệt từ những sinh viên xuất sắc khác.

3.2/ Đăng ký

Mục tiêu của giai đoạn này là để bạn được gọi đi phỏng vấn. Không ai dành được học bổng chỉ bằng cách nộp hồ sơn. Hãy nhận thức rõ mình muốn được điều gì để nâng cao cơ hội cho bản thân. Biến mình thành một người thú vị, để các tổ chức tò mò về bạn và quyết định mời bạn phỏng vấn. Trong phần này, với kinh nghiệm trên 12 năm tư vấn, Nhật Anh – Avi sẽ đưa ra vài bí quyết để tối đa hóa khả năng được mời phỏng vấn học bổng của bạn.

* Quy tắc trung bình

 Quy tắc trung bình học bổng

+ Một quy tắc trong lĩnh vực bán hàng: bạn càng tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng, cơ hội hoàn thành giao dịch sẽ càng cao. Đây gọi là quy tắc trung bình và có thể áp dụng cho việc xin học bổng. Từ đó, nếu bạn gửi hồ sơ đến càng nhiều nhà cung cấp, cơ hội đạt được học bổng của bạn càng cao. Cuộc chiến dành học bổng khá gay gắt và đa số các tổ chức cung cấp không tiết lộ thông tin về số lượng học bổng mà họ đưa ra. Bình quân chỉ có 10% số ứng viên cho riêng một học bổng đạt được nguyện vọng của mình. Vậy nên, bạn nên “đặt trứng vào nhiều giỏ”, gửi hồ sơ đi nhiều nơi. Chẳng có gì thiệt thòi ngoài trừ bạn phải đầu tư thời gian và công sức đi nộp hồ sơ tại nhiều điểm khác nhau. Nếu được đề suất nhiều học bổng một lúc? Bạn có thể lựa chọn học bổng phù hợp nhất & thích nhất và lịch sự từ chối những tổ chức còn lại.

* Tự tiếp thị chính mình

Các bạn sinh viên cần phải xác định thật rõ ràng một điều tại thời điểm này: đây không phải là lúc để tỏ ra khiêm tốn. Khi đi đăng ký học bổng, hãy dành mọi cơ hội để chứng minh với tổ chức cung cấp là mình xứng đáng dành phần học bổng này. Bạn nên đưa ra tất cả những chứng chỉ, thành tích, lời khen ngợi mà bạn có được. Bên cạnh đó, hãy tập hợp những nhận xét tích cực từ những công việc bán thời gian, thực tập, những tổ chức, chương trình mà bạn đã từng tham gia. Mẫu đơn xin học bổng thường sẽ có một khu vực riêng để bạn liệt kê ngắn gọn những chứng minh này. Dưới đây là một số lời khuyên:

  • Trình bày ngắn gọn và cụ thể: Đừng nên viết ra một cuốn tiểu sử, bạn nên trình bày càng súc tích và cụ thể các thành tích của mình càng tốt. Hãy sắp xếp sao cho thật ấn tượng và đáng tin cậy. Ví dụ như: thay vì nói rằng bạn thích giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, hãy viết rằng “Tôi đã tham gia chương trình dạy học cho các em nhỏ ở làng trẻ SOS theo chiến dịch của Đại học Sư phạm”.
  • Sử dụng một chút ngôn ngữ phóng đại. Vấn đề này thuộc về kỹ năng viết của bạn, không phải là nội dung viết. Mục tiêu của bạn là gây ấn tượng, vậy nên lựa chọn ngôn ngữ phù hợp sẽ khiến nội dung viết trở nên thu hút hơn. Bạn nên dùng những tính từ thật mạnh mẽ để bộc lộ bản thân, không ai biết bạn làm tốt đến đâu nếu bạn không nói. Ví dụ như, nếu bạn được phụ trách một dự án tình nguyện và hoàn thành tốt, hãy viết những từ ngữ như “xuất sắc”, “thành công rực rỡ”,… Đừng tự hạ thấp những thành tựu của mình, ít nhất là trong công cuộc tìm kiếm học bổng.
  • Nhưng đừng nói dối. Chúng mình khuyên bạn nên dùng ngôn từ phóng đại, nhưng chỉ với những việc bạn thực sự làm được thôi. Nếu bạn nói dối trong hồ sơ xin học bổng, bạn sẽ gặp nhiều trở ngại trong những lần xin học bổng, xin nhập học hay thậm chí là xin việc sau này. Tin chúng mình đi, bằng những thủ thuật chuyên môn cực kỳ tinh tế, chẳng sớm thì muộn các nhà cung cấp sẽ phát hiện ra những điểm không đúng sự thật trong một hồ sơ xin học bổng thôi.

* Tính liên quan

Kinh nghiệm hoặc thành tích liên quan đến học bổng mà bạn đang theo đuổi sẽ là một điểm cộng lớn so với những ứng viên khác chỉ có bảng điểm xuất sắc từ một trường đại trà mà không có nhiều kiến thức chuyên môn. Thực tập và công việc bán thời gian chính là phương án khả thi nhất để bạn có được những kỹ năng chuyên môn. Ví dụ như nếu bạn đang muốn xin học bổng của một trường công nghệ, việc là thực tập sinh của công ty FPT sẽ là một điểm sáng trong hồ sơ của bạn hay có thành tích trong một cuộc thi âm nhạc sẽ rất có lợi cho những bạn xin học bổng trường nghệ thuật. Đây là những minh chứng cho niềm đam mê hay hứng thú của bạn đối với lĩnh vực của tổ chức bạn đang xin học bổng. Nếu bạn muốn đăng ký học bổng của một trường học? Bạn có thể thể hiện sự quan tâm của trường bằng cách tìm hiểu các chương trình do trường tổ chức và bày tỏ mong muốn được tham gia hoặc thực sự tham gia (ví dụ như các chương trình hè, các cuộc thi, các khóa học ngắn hạn…)

* Tạo ấn tượng tốt

Một khi bạn đã có đủ những yếu tố cho một bản hồ sơ hoàn chỉnh, hiển nhiên bạn sẽ không muốn hồ sơ của mình đi đánh giá thấp vì một lỗi sai không đáng. Vậy nên, hãy kiểm tra thật kĩ để chắc chắn rằng các loại giấy tờ đều đúng quy định, không mắc lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả và nhất quán trong cách trình bày.

* Thư giới thiệu

Hầu hết các nhà cung cấp học bổng đều yêu cầu một bản thư giới thiệu. Người viết thư giới thiệu không nhất thiết phải là một người nổi tiếng hay có thứ hạng cao trong tổ chức bạn đang học tập, làm việc, mà nên là một người hiểu rõ bạn để nội dung bức thư càng thuyết phục càng tốt. Đây có thể là giáo viên cũ của bạn, giáo viên hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi, giảng viên bộ môn, người giám sát khi bạn thực tập. Một bức thư giới thiệu sẽ thuyết phục hơn nếu trong đó thể hiện cụ thể được những thành tích xuất sắc của bạn trong quá trình học tập, làm việc.

* Bài luận cá nhân

Đa số các hồ sơ học bổng đều được yêu cầu đính kèm một đến hai bài luận trả lời cho những câu hỏi có sẵn, nhằm tìm hiểu bạn rõ hơn ngoài bản lý lịch, cũng như một cách xác thực thông tin. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể một lần nữa khẳng định bản thân (nhưng bằng một cách tinh tế thôi nhé, đừng khoe khoang). Một bí quyết để làm tốt bài luận là hãy viết và mang bài luận đến giáo viên ngôn ngữ của bạn để kiểm tra, hãy bất cứ ai có trình độ ngôn ngữ bạn tin tưởng. Hãy kiểm tra và xin nhận xét nhiều lần nhất có thể để bài luận của bạn hoàn hảo hơn, tránh những lỗi sai đáng tiếc. Về phần câu hỏi, tùy từng tổ chức sẽ có các câu hỏi luận khác nhau, dưới đây là một vài ví dụ:

  • Câu nói yêu thích (thực ra muốn bạn miêu tả bản thân mình);
  • Bạn nghĩ mình sẽ đóng góp được gì cho tổ chức;
  • Viết về một người bạn tôn trọng;
  • Giải thích sự lựa chọn học tập của bạn (Tại sao lại chọn nước này, trường này,…);
  • Hoặc một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mà tổ chức đang hoạt động.

IV/ Kỹ năng Phỏng vấn Học Bổng:

 Kỹ năng phỏng vấn học bổng

Cũng giống như bao kỹ năng khác, kỹ năng phỏng vấn chỉ có thể hoàn thiện nếu bạn mài giũa và rèn luyện. Trừ khi bạn có năng khiếu bẩm sinh, cách duy nhất để có được cuộc phỏng vấn thành công chính là thực hành. Đây cũng là một phần lý do vì sao chúng mình khuyên bạn nên gửi hồ sơ đi nhiều nơi nhất có thể, bởi môi trường phỏng vấn rất dễ mô phỏng chính xác, cần phải có chuyên gia và tạo được áp lực thực sự. Vậy nên đi phỏng vấn nhiều nơi chính là một cách để bạn luyện tập. Dưới đây là một vài lời khuyên để bạn có buổi phỏng vấn như ý hơn.

4.1/ Chuẩn bị trang phục

Tốt nhất là nên mặc trang phục thật nghiêm chỉnh. Bạn không biết các chuyên viên yêu cầu thế nào, nên cứ chọn phương án an toàn. Hãy chọn bộ đồ trang trọng lịch sử nhất có thể, tối thiểu là áo sơ mi và quần tây cho các bạn nam, sơ mi và chân váy cho các bạn nữ. Trang phục chỉnh chu không chỉ tạo thiện cảm cho người phỏng vấn, mà cũng giúp các bạn tăng sự tự tin, vì vậy hãy chú ý nhé.

4.2/ Chuẩn bị sẵn sàng

Bạn cần có sự chuẩn bị, cho dù bạn không hề biết trước “đề cương” cho buổi phỏng vấn. Phỏng vấn thực chất là để đánh giá khả năng và mức độ trưởng thành của bạn, cũng như độ phù hợp của bạn với chương trình mà bạn lựa chọn, vì vậy, câu trả lời của bạn phải bộc lộ được điều đó. Tất nhiên, bạn không chỉ cứ khẳng định mình có khả năng lãnh đạo và năng lực cao, sẽ rất khó để tin điều đó. Cách tốt nhất là chuẩn bị trước những câu chuyện về bản thân để thể hiện những phẩm chất mà bạn đang muốn bộc lộ. Chuẩn bị ít nhất là 5 câu chuyện để trả lời cho những câu hỏi khác nhau có thể được đưa ra cho buổi phỏng vấn, có thể là về kinh nghiệm của bạn khi thi học sinh giỏi, làm đồ án, tham gia cuộc thi, thực tập, cách bạn vượt qua những khó khăn để đạt được thành công. Sẽ càng hấp dẫn hơn nếu bạn có thể đưa ra những con số cụ thể, ví dụ như “Tôi đã quyên góp được 20 triệu để làm từ thiện cho trẻ em nghèo” chẳng hạn. Tất nhiên, không phải câu nào bạn cũng kể một câu chuyện thật dài dòng, sẽ gây khó chịu cho người phỏng vấn.

* Sau đây là một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn:

 + Hãy kể về bản thân bạn?

Câu hỏi khởi động, nhưng cũng là một câu mang tính “sát phạt”. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý tại Mỹ, một người phỏng vấn có thể biết được ứng viên có phù hợp với yêu cầu của họ không chỉ trong năm phút đầu tiên. Vậy nên tuyệt đối không được coi nhẹ câu hỏi này.

Nghĩa là, bạn không nên kể một câu chuyện dài dòng về tiểu sử, gia đình, bạn bè, trường lớp, mà hãy tập trung vào những thành tích, kinh nghiệm học tập, làm việc. Hãy lựa chọn những chi tiết mà bạn cảm thấy phù hợp với định hướng tương lai của mình. Nếu được hỏi về sở thích, thay vì chỉ đơn giản trả lời, bạn nên chia sẻ về những lợi ích bạn có được từ sở thích đó. Ví dụ như “Tôi thích đọc sách, vì đọc sách có thể giúp tôi nâng cao kiến thức và cải thiện kĩ năng giao tiếp của bạn thân” hay “Tôi thích bóng đá, môn thể thao này giúp tôi nâng cao khả năng hoạt động nhóm của mình”.

 + Điểm mạnh và điểm yếu của bạn?

 nói về điểm mạnh và điểm yếu khi phỏng vấn học bổng

Câu hỏi về điểm mạnh dường như rất dễ dàng, hãy trả lời bằng câu chuyện bạn đã chuẩn bị để nâng tầm bản thân. Người phỏng vấn muốn biết bạn đã tận dụng điểm mạnh của mình vào công việc như thế nào, nên bạn hãy lựa chọn những điểm mạnh phù hợp với công việc hay chương trình học tương lai như kỹ năng giao tiếp, thái độ tích cực, tính tổ chức cao,… (Đừng nói rằng bạn giỏi chơi game, cho dù bạn có xuất chúng đến thế nào đi chăng nữa!)

Phần điểm yếu mới là phần khó nhằn. Người phỏng vấn muốn xem bạn hiểu chính mình thế nào, nên hãy tỏ ra trung thực, đừng khoa trương nhưng cũng đừng hạ thấp mình quá. Những ví dụ điển hình thường là thiếu tập trung, thiếu tỉ mỉ, thiếu kiên nhẫn,… Hãy chọn những yếu điểm có thể khắc phục được và minh họa một trường hợp bạn đã điều chỉnh những điểm yếu đó để có được thành công trong công việc. Hoặc bạn có thể chọn những yếu điểm nhưng thực ra làm điểm mạnh như quá cầu toàn, quá chú tâm vào công việc đến quên mất thời gian,…

 + Sao bạn lại chọn khóa học này?

Đây là câu hỏi đánh giá khả năng ra quyết định của bạn. Một lời khuyên hữu ích nhất là: hãy trung thực. Bạn nên trình bày theo ba yếu tố sau: sự đam mê, sự thành thạo, và sự triển vọng. Để trả lời hiệu quả câu này, bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ về khóa học bạn lựa chọn, cũng như hiểu rõ khả năng và định hướng của bản thân.

 + Tại sao bạn xứng đáng với học bổng này?

Câu hỏi này chủ yếu dùng để đánh giá sự tự tin của bạn. Đừng nên nói quá nhiều về điểm mạnh hay thành tích ở câu này mà hãy chú trọng vào những yếu tố khiến bạn nổi bật so với những ứng viên khác. Qua câu trả lời của mình (có thể bằng một câu chuyện), bạn phải thể hiện được sự tự tin của mình thông qua giọng nói, cử chỉ, thái độ và ánh mắt. Bạn nên luyện tập thật nhiều cho phần này.

 + Bạn thấy mình ở đâu trong năm năm tới?

Đánh giá mức độ cầu tiến của bạn. Bạn có thể chia sẻ với người phỏng vấn về dự định của mình trong tương lai, nhưng đó phải là một dự định phù hợp với trường, tổ chức mà bạn đang hướng đến. Trong trường hợp xin học bổng của một tổ chức, hãy tìm hiểu về tổ chức đó và dự tính xem mình có thể đóng góp được gì. Nếu là một trường đại học, hãy nghĩ đến những thành tích mình có thể đạt được, và kế hoạch để hoàn thành nguyện vọng đó. Hãy tỏ ra mình có tham vọng và quyết tâm. Nếu có thể, bạn cũng nên đặt câu hỏi cho người phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp mà trường, tổ chức thường đề xuất cho các ứng viên giúp tăng tương tác, khiến buổi phỏng vấn thú vị hơn.

 + Thành công và thất bại lớn nhất của bạn?

Khi hỏi câu này, người phỏng vấn muốn xem bạn trưởng thành đến mức nào. Đây cũng là câu hỏi cần chuẩn bị trước với một câu chuyện về một hành trình mà bạn phải nỗ lực thật nhiều để đạt mục tiêu. Có thể là việc học ngoại ngữ, việc vượt qua một kỳ thi khó khăn. Hãy lựa chọn khôn khéo để thể hiện được nỗ lực bản thân vượt qua những khó khăn trở ngại trong hành trình chinh phục thử thách.

Thất bại là một câu hỏi bẫy. Bạn nên thể hiện rằng mình đã nhận được bài học gì và sẽ làm gì để tránh mắc phải sai lầm đó trong quá khứ thay vì đào sâu chi tiết về thất bại đó.

* Một số câu hỏi khác

 + Bạn bè và người thân sẽ miêu tả thế nào về bạn? – Tính cách của bạn như thế nào?

 + Bạn thích một môi trường làm việc như thế nào?

 + Bạn có hoạt động cộng đồng không?

 + Kể về một lần…

Những câu hỏi này chủ yếu muốn làm rõ hơn những điều bạn ghi trong hồ sơ. Vì vậy, bạn phải phân tích kỹ lưỡng hồ sơ và liên kết những chi tiết trong đó với thực tế cuộc sống. Ví dụ như nếu bạn viết bạn thích đọc sách, người phỏng vấn sẽ hỏi cuốn sách gần đây nhất bạn đọc là gì và vì sao bạn thích cuốn sách đó.

* Câu hỏi cuối cùng: Bạn có câu hỏi nào không?

Câu hỏi bạn đặt ra sẽ giúp người phỏng vấn đánh giá được mức độ hứng thú của bạn. Vậy nên đừng rời đi khi chưa đặt câu hỏi. Bạn nên hỏi từ 1 đến 2 câu, ví dụ: môi trường học tập của trường, có mấy vòng phỏng vấn, tôi phải chờ kết quả trong bao lâu,… Mục đích của buổi phỏng vấn không phải chỉ là để đánh giá bạn, mà là một cơ hội để bạn tìm hiểu trực tiếp về phần học bổng và lợi ích mang lại cho bạn.

* Bí quyết:

  • Hãy luôn mỉm cười và giao tiếp bằng ánh mắt.
  • Bắt tay người phỏng vấn trước và sau buổi phỏng vấn cũng sẽ giúp bạn ghi điểm.
  • Nếu có thể, hãy ghi nhớ tên những người phỏng vấn và thỉnh thoảng nhắc tên họ trong suốt buổi để tạo tương tác tốt.
  • Cuối cùng, đừng quên gửi thư cảm ơn đến các chuyên viên đã phỏng vấn bạn để tăng cảm tình của họ ngay cả khi buổi phỏng vấn đã kết thúc.

V/ Nhận tin tốt

 + Trong thời gian chờ đợi kết quả, bạn không nên quá lo lắng. Nhiều người lo lắng đến độ mất ăn mất ngủ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

 + Thường thì bạn sẽ phải chờ từ 2 đến 3 tuần để biết mình có thành công hay không, và suốt thời gian đó bạn không thể thay đổi điều gì. Vậy nên hãy giữ tâm lý thoải mái, bạn đã làm hết sức mình rồi.

+ Và nếu bạn nhận được học bổng thì… xin chúc mừng. Xin học bổng đâu có khó khăn như bạn tưởng tượng phải không? Đây chính là lúc để ăn mừng, nhưng cũng đừng quên cảm ơn những người đã đồng hành cùng bạn, đặc biệt là người đã viết thư giới thiệu cho bạn hay giúp bạn chỉnh sửa bài luận nhé. Một món quả nhỏ, một bức thư cảm ơn hay một bữa ăn thân mật sẽ là lời cảm ơn rất đáng yêu đấy. Quan trọng nhất là, hãy báo tin mừng cho họ sớm nhất có thể.

Với kinh nghiệm trên 12 năm trong lĩnh vực Tư vấn Du học, Nhật Anh – AVI luôn mong muốn chia sẻ những điều tốt nhất tới các bạn học sinh, sinh viên hiểu biết rõ hơn cách thức phỏng vấn xin học bổng. Chúc các bạn may mắn.

Công Ty TNHH Tư Vấn Giáo Dục Và Đào Tạo
Nhật Anh - AVI


VĂN PHÒNG: HÀ NỘI
Tầng 1, Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội

VĂN PHÒNG: HỒ CHÍ MINH
VP 1: Số 63, Đường T6, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh

VĂN PHÒNG: BẮC NINH
Số 11 Vũ Giới, P. Suối Hoa, TP. Bắc Ninh


(+84) 772.660.128 | 097.11.99.555
info@nhatanh.vn
https://avi.edu.vn/

Đăng ký nhận thông tin

Chuyên mục: Tin du học Singapore

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *